Bà Rịa - Vũng Tàu: Quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức Hội thảo vào ngày 16/8 để lấy ý kiến hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh, quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò và vị trí rất quan trọng đối với tỉnh. Quy hoạch tỉnh vừa có nhiệm vụ cụ thế hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an nình, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn…

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Đồng thời, quy hoạch tỉnh cũng là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý để tỉnh hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo yêu cầu kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh…

Chính vì vậy, để quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đảm bảo chất lượng, có tính khả thi cao thông qua hội thảo lần này ông Nguyễn Công Vinh mong muốn nhận được nhiều sự tham gia, đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với dự thảo quy hoạch của tỉnh.

Trình bày tại hội thảo, đại diện Liên danh tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giới thiệu đến các đại biểu nội dung chủ yếu Quy hoạch tỉnh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra mục tiêu phát triển đến năm 2030 tỉnh phát triển các ngành kinh tế trụ cột công nghiệp, cảng biển và dịch vụ vận tải - logistics, du lịch, nông nghiệp dựa trên nền tảng khoa học và đổi mới sáng tạo; hình thành và tổ chức phát triển tốt các vùng không gian công nghiệp - cảng biển, du lịch và nông nghiệp, đảm bảo tính khoa học và hợp lý, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng khu vực; phát triển kinh tế hài hòa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tầm nhìn đến năm 2035, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có nền kinh tế hiện đại, mức sống dân cư cao, phát triển bao trùm, xã hội ổn định, văn minh, bền vững trên cơ sở phát triển và kết nối các đô thị bằng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại; đến năm 2050 Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải, du lịch và công nghiệp với nền kinh tế năng động và phát triển xứng tầm khu vực.

Tham luận tại hội thảo đối với quy hoạch của Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030, tầm nhìn 2050, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường lưu ý, do là quy hoạch tỉnh nên Bà Rịa - Vũng Tàu cần cân nhắc bổ sung quan điểm coi môi trường là điều kiện, nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bên cạnh đó, quan điểm phát triển tỉnh cần nhấn mạnh thêm về phát triển carbon thấp, phát triển kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Bà Rịa - Vũng Tàu có động lực phát triển năm 2050 trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải, du lịch và công nghiệp với nền kinh tế năng động và phát triển xứng tầm khu vực. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cũng đề nghị tỉnh cần chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng biển và hải đảo để phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; quy hoạch cũng cần có sự tích hợp đầy đủ các giải pháp về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các phương án phát triển.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quy hoạch tình Bà Rịa - Vũng Tàu cần xây dựng hệ thống giá trị nhận diện và phát triển văn hóa du lịch, dựa vào các điều kiện tự nhiên, sinh thái, nhân văn và kinh tế hiện có.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ cũng nhấn mạnh văn hóa của Bà Rịa - Vũng Tàu là văn hóa hội tụ, tỉnh có đủ điều kiện tài nguyên sinh thái - nhân văn và nguồn lực kinh tế để xây dựng phát triển văn hóa du lịch, tỉnh cũng có đủ điều kiện để xây dựng thành một “tiểu trung tâm” du lịch với triết lý hội tụ - nhân văn - sành điệu.

Bàn về chiến lược phát triển hành lang du lịch biển - đảo của tỉnh trong quy hoạch của tỉnh, thạc sĩ, kiến trúc sư quy hoạch, cảnh quan Đặng Thục Trang, Công ty Kiến trúc Scene Plus chia sẻ, Bà Rịa - Vũng Tàu với bờ biển đẹp và đa dạng, khí hậu mát mẻ và ổn định, với nhiều tiềm năng về du lịch, công nghiệp, gần sân bay Long Thành, gần một đại đô thị kinh tế mở ra thế giới. Vì thế, quy hoạch trong tương lai tỉnh cần phát huy những lợi thế có sẵn để phát triển du lịch đại chúng, phát triển du lịch văn hóa có chất lượng gắn với phát triển công nghệ cao.

Tuy nhiên, tỉnh cũng cần phải bảo vệ các thắng cảnh, di sản văn hóa; nâng cao các giá trị văn hóa hiện có trong mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, phát triển đời sống địa phương với các nghề truyền thống thủ công, nông nghiệp, đánh cá, ẩm thực…

Cùng đó, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển các địa điểm phục vụ du khách; mở cửa cho ngành xây dựng chất lượng cao; thiết lập các trung tâm nghiên cứu và trung tâm hội nghị…

Chuyên mục:

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét