Cầu lớn nhất Vành đai 3 TP HCM sau tám tháng thi công
Hơn 200 công nhân, kỹ sư tất bật thi công cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, kinh phí 1.800 tỷ đồng, giúp tăng liên kết vùng.
Sau 8 tháng khởi công, cầu Nhơn Trạch, thuộc dự án đường Vành đai 3 TP HCM đạt khoảng 30% tiến độ. Đây là cây cầu lớn nhất đường vành đai, thuộc thành phần dự án 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch. Đoạn này dài 8,7 km, có hai hạng mục chính gồm: cầu dài 2,6 km, rộng 19,5 m và đường dẫn ở hai đầu cầu tổng chiều dài hơn 5,6 km. Tổng mức đầu tư dự án là 6.900 tỷ đồng, trong đó cầu là 1.800 tỷ đồng, hoàn thành sau 3 năm.
Ngày 31/5, trên công trường cầu Nhơn Trạch các loại máy móc, sà lan, tàu, vật liệu xây dựng... tập kết phục vụ công tác thi công. Trên sông, vị trí cây cầu dần định hình so với hồi tháng 9 năm ngoái lúc khởi công. Ngoài Nhơn Trạch là cầu lớn nhất, Vành đai 3 có gần 20 cầu vượt sông, rạch khác. Cây cầu lớn thứ hai là Bình Gởi, vượt sông Sài Gòn, dài gần một km, nối quận 12, TP HCM và TP Thuận An, Bình Dương.
Ở giữa sông, các bệ cọc đường kính 2 m được cắm sâu dưới lòng sông hơn 80 m
Công trường bên đầu cầu phía TP HCM đã có một số trụ cầu được lắp đặt. Cầu Nhơn Trạch có 39 trụ và hai mố cầu, phần lớn các hạng mục này đang trong giai đoạn khoan cọc.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), phía TP HCM đã bàn giao hết mặt bằng nên việc thi công thuận lợi. Phần công trình ở đây dự kiến hoàn thành sớm hơn 4 tháng so với hợp đồng.
Phía dự án bên TP HCM, hàng chục công nhân đang làm các lồng thép phục vụ việc thi công cọc khoan nhồi làm móng cầu. Toàn công trình hiện có hơn 200 công nhân, kỹ sư làm việc.
Đầu cầu bên phía Đồng Nai, công nhân cũng tất bật thi công, nhiều loại máy móc phục vụ công trường được tập kết tại đây.
Công nhân ở đầu cầu phía Đồng Nai gia công các lồng thép.
Anh Ngô Trường Giang, 30 tuổi, chui vào lồng để buộc các thanh thép lại. "Mọi người ở đây đều ăn ngủ lại lán trại để đảm bảo tiến độ thi công", nam công nhân nói.
Công trường cầu Nhơn Trạch nằm ở nơi biệt lập với khu dân cư, sông nước bao quanh, đường bộ không thể kết nối. Chuyện đi lại, vận chuyển thiết bị máy móc và vật liệu xây dựng đều bằng đường thủy.
Nhà thầu cho biết, đã bố trí ca trực làm cả ngày đêm, kể cả cuối tuần, lễ Tết để có thể hoàn thành thi công sớm hơn hợp đồng.
Phần đường dẫn ở hai đầu cầu tổng chiều dài hơn 5,6 km, trong đó điểm cuối sẽ giao với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Hiện phần mặt bằng phía TP HCM đã bàn giao hết, đang được phát quang bụi rậm, đào hình thành khuôn đường.
Bên phía tỉnh Đồng Nai chưa bàn giao hết mặt bằng khiến thi công gặp khó khăn. Khu vực thi công cầu Nhơn Trạch mới chỉ có phần đất sát sông được địa phương và chủ đầu tư vận động hộ dân tạm bàn giao.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận yêu cầu các nhà thầu nhận được mặt bằng đến đâu phải tập trung triển khai thi công đến đó. Ban đề nghị tỉnh Đồng Nai sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 6/2023, để không ảnh hưởng tiến độ chung dự án.
Phối cảnh cầu Nhơn Trạch sau khi hoàn thành.
Ngoài cầu Nhơn Trạch, TP HCM kết nối Đồng Nai qua các cầu Đồng Nai, Long Thành; các dự án cầu Phước Khánh, Cát Lái, Đồng Nai 2 và Phú Mỹ 2...
Vị trí cầu Nhơn Trạch nằm trên tuyến Vành đai 3 TP HCM.
Tuyến Vành đai 3 đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, đầu tư giai đoạn một với chiều dài hơn 76 km, tổng vốn hơn 75.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026.
Tuyến đường được quy hoạch từ năm 2011 với tổng chiều dài 90 km, mang vai trò chiến lược hình thành mạng lưới giao thông liên kết các tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên khó khăn về vốn và cơ chế thực hiện, sau 11 năm toàn tuyến mới có 15 km đi qua Bình Dương hoàn thành đưa vào khai thác. Sau nhiều nỗ lực, đường sẽ được khởi công vào tháng 6 năm nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét