Vị trí xây cầu Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4 làm thay đổi diện mạo TP Thủ Đức
Cầu Thủ Thiêm 3 và cầu Thủ Thiêm 4 khi nào xây dựng là câu hỏi được nhiều người quan tâm trong thời gian gần đây, bởi tầm quan trọng mà 2 cây cầu đem lại cho khu đô thị Thủ Thiêm và cả thành phố.
Cầu Thủ Thiêm 3 và cầu Thủ Thiêm 4 nằm trong kế hoạch 5 cây cầu lớn (cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son, cầu đi bộ Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 3 và 4) kết nối khu đô thị Thủ Thiêm với các quận lân cận. Hiện tại, cầu Thủ Thiêm 3 đã được chấp thuận và đang lên kế hoạch xây dựng trong tương lai.
Trong khi đó, cầu Thủ Thiêm 4 đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục và dự kiến khởi công vào năm 2025.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, để dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 3 tiến hành thuận lợi, trước tiên cần tiến hành di dời một số bến cảng trên sông Sài Gòn.
Cầu Thủ Thiêm 3 được xây dựng với mục tiêu kết nối quận 4 và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự kiến, cầu được nối từ đường Tôn Đản, băng qua đường Nguyễn Tất Thành và khu bến cảng Nhà Rồng- Khánh Hội (quận 4) vượt sông Sài Gòn và kết thúc tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).
Theo quy hoạch, TPHCM sẽ xây dựng 4 cây cầu và một cầu đi bộ kết nối các quận trung tâm với khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngoài ra, để phù hợp với tiến trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 3, Bộ GTVT sẽ di dời bến cảng Khánh Hội (quận 4) thuộc cảng Sài Gòn ra khu vực Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).
Cách đó không xa về phía Đông Nam khu đô thị Thủ Thiêm, là vị trí dự kiến xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) qua quận 7.
Theo Sở GTVT TPHCM, dự án cầu Thủ Thiêm 4 là một trong những dự án trọng điểm của thành phố trong giai đoạn tới. Sở sẽ tập trung phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy nhanh thủ tục, chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm chiến lược ngành giao thông vận tải để đáp ứng tiến độ khởi công trong dịp 30/4/2025.
Cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng. Dự án được xây dựng với hy vọng giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, TP Thủ Đức qua các quận 7, 8, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè.
Dự án này cũng góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô và giảm tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động của các bến cảng trên địa bàn quận 4, quận 7.
Theo quy hoạch, vị trí dự kiến của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ nối từ đường Nguyễn Cơ Thạch (khu đô thị Sala) bắc qua sông Sài Gòn, cắt ngang cảng Tân Thuận, sau đó nối vào đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7).
Phía bờ Thủ Thiêm, khu vực dự kiến xây cầu hiện chủ yếu là dừa nước, rừng ngập nước hoang sơ, không có dân cư sinh sống.
Đầu còn lại của cầu Thủ Thiêm 4 là khu vực cảng Tân Thuận, hiện đây là cảng hàng hóa với nhiều tàu hàng ra vào, container chất đầy cảng. Xung quanh đó là khu vực nhà dân, xa ra phía ngoài là kết nối vào mạng lưới giao thông như đường Huỳnh Tấn Phát, đường Nguyễn Văn Linh.
Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4 sau nhiều năm nghiên cứu
Hiện nay, dự án cầu Thủ Thiêm 4 đang được thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, dự kiến sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024 - 2027 theo hình thức PPP (hình thức đối tác công tư).
Trong 5 cây cầu dự kiến được xây dựng để khu đô thị Thủ Thiêm kết nối với các quận và khu vực trọng điểm của TPHCM, cầu Thủ Thiêm đi vào hoạt động từ năm 2005, cầu có tổng chiều dài 1.250m, gồm 6 làn xe, tổng kinh phí xây cầu là hơn 1.000 tỷ đồng.
Cầu Ba Son vừa mới hoàn thiện và đi vào hoạt động từ tháng 4/2022 sau nhiều lần trễ hẹn. Cầu Ba Son có chiều dài hơn 1.400m, có 6 làn xe, tổng kinh phí đầu tư gần 3.100 tỷ đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét