Bà Rịa - Vũng Tàu tính lập khu thương mại tự do riêng biệt
Với lợi thế cảng biển lớn, Bà Rịa - Vũng Tàu đang thúc đẩy hình thành trung tâm logistics và cảng trung chuyển quốc tế. Cùng với đó, địa phương này cũng tính chuyện thành lập khu thương mại tự do như một cơ chế đột phá phát triển.
Các diễn giả tại phiên thảo luận trong diễn đàn Liên kết phát triển logistics – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ
Trung tâm logistic và cảng trung chuyển quốc tế
Vùng Đông Nam Bộ là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng, hiện tại toàn vùng có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Trong đó tập trung chủ yếu tại TP. HCM với hơn 11.000 doanh nghiệp, Bình Dương gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp.
Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Nam, có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng.
Vì thế, ngành logistics đã được xác định là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh, là động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh khá đa dạng, từ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ khác.
Toàn tỉnh hiện có hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa, kinh doanh dịch vụ kho bãi logistics, 69 bến cảng biển được quy hoạch với 50 dự án đang hoạt động với tổng công suất thiết kế là 152 triệu tấn/năm. Đây là tiềm năng, là động lực quan trọng để phát triển trung tâm logistics và cảng biển trung chuyển quốc tế.
Ông Thọ cho biết, trong thời gian tới, ngành dịch vụ vận tải, logistics tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ cùng với việc hình thành các tuyến giao thông quan trọng nối liền khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ và lợi thế về khoảng cách của tỉnh với sân bay quốc tế Long Thành khi Bà Rịa Vũng Tàu chỉ cách sân bay khoảng 30km.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành logistics đã có sự đầu tư khá tốt về hạ tầng và công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể tự kết nối hạ tầng giữa các tỉnh, thành trong vùng, giữa khu sản xuất chế biến, khu công nghiệp với cảng, sân bay và giữa vùng với các thị trường.
Điểm nghẽn lớn nhất là vấn đề về cơ sở hạ tầng. Ngay cả với Bà Rịa-Vũng Tàu, dịch vụ logistics trên địa bàn được đánh giá là khá đa dạng, từ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ khác, song trình độ phát triển của các dịch vụ logistics vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một trung tâm quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ về vận tải biển và đa phương thức.
Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển có bước phát triển nhanh, nhưng hệ thống dịch vụ kho bãi, trung tâm logistics sau cảng chưa theo kịp xu thế, thiếu hụt các dịch vụ logistics như mạng lưới dịch vụ kho tổng hợp hàng hóa, ICD, kho lạnh, dịch vụ về container như vệ sinh, sửa chữa, cung cấp pallet, đóng gói hàng hóa theo yêu cầu…
Hướng tới khu thương mại tự do
Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đưa ra chủ trương 'hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ'. Đây là một chủ trương mới, nhằm tạo không gian đặc thù, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ.
Ông Phạm Tấn Công Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, việc hình thành phát triển khu thương mại tự do sẽ giúp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung tạo đột phá trong phát triển kinh tế bởi các lợi ích hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh để nâng cao sức cạnh tranh của địa phương và khu vực, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ trực tiếp tại nội khu thương mại tự do, tạo ra cơ hội mời gọi các doanh nghiệp hàng đầu thế giới tới tham gia hoạt động và đầu tư.
Còn theo đại diện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khu thương mại tự do là một cơ chế mới. Các nước đã có rồi, hiện tại Hải Phòng cũng đã làm phân khu, đây là điều kiện thuận lợi để Bà Rịa - Vũng Tàu học tập. Tỉnh cũng cử các đoàn đi nghiên cứu học tập ở các nước để về mạnh dạn đề xuất Chính phủ các điều kiện để hình thành khu thương mại tự do.
Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch 69 dự án cảng biển, trong đó có 50 dự án cảng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 150 triệu tấn/năm. Hiện tại, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có 8 dự án cảng container lớn với công suất 8,3 triệu TEU/năm, trong đó cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong 19 cảng lớn của thế giới đón được 'siêu' tàu lớn nhất hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét