TP Thủ Đức định hướng tập trung phát triển 11 khu vực
TP Thủ Đức định hướng phát triển không gian theo 11 phân vùng và được quản lý theo 36 khu vực quản lý quy hoạch với một số chỉ tiêu xác định cho từng khu vực quản lý quy hoạch.
Không gian TP Thủ Đức hướng tới là một thành phố hiện đại, khuyến khích phát triển công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng.
UBND TP HCM vừa trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức thuộc TP HCM đến năm 2040.
Theo đó, quy mô lập quy hoạch bao gồm toàn bộ khu vực địa giới hành chính của TP Thủ Đức, với tổng diện tích tự nhiên 21.157 ha.
Dự báo quy mô dân số TP Thủ Đức đến năm 2030 là khoảng 1,5 triệu người; đến năm 2040 khoảng 2,2 triệu người; sau năm 2040 khoảng 3 triệu người.
TP Thủ Đức là đô thị đa trung tâm với các trung tâm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu vực Trường Thọ, khu vực Long Phước.
TP Thủ Đức là đô thị loại I trực thuộc TP HCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông của TP HCM
Các trục cảnh quan chính gồm:
- Dải không gian công cộng ven sông Sài Gòn;
- Dải không gian đô thị sinh thái – du lịch ven sông Đồng Nai;
- Dải không gian mở Đông Tây kết nối Thủ Thiêm qua Rạch Chiếc sang đến phường Long Phước;
- Dải không gian sáng tạo và văn hóa kết nối khu vực công viên lịch sử - văn hóa dân tộc phía Bắc xuống tới đô thị sinh thái Long Phước.
Quy hoạch xây dựng ngầm, các khu vực trung tâm đô thị hoặc đô thị hiện hữu mật độ cao khuyến khích xây dựng công trình ngầm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Định hướng sử dụng đất, mục tiêu chính đến năm 2040:
- Đất xây dựng đô thị khoảng 18.673 ha, trung bình 62 m2/người;
- Đất dân dụng khoảng 13.715 ha;
- Đất ở khoảng 7.673 ha, trung bình 26 m2/người;
- Đất dịch vụ - công cộng đô thị khoảng 1.350 ha;
- Đất cây xanh sử dụng công cộng khoảng 1.805 ha, trung bình 6 m2/người;
- Đất giao thông đô thị khoảng 3.466 ha, chiếm 18% đất xây dựng đô thị;…
Định hướng tổng thể hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, bổ sung một số chức năng, trong đó khu thể dục thể thao Rạch Chiếc với chức năng chính là thể dục thể thao, công cộng, dịch vụ, hỗn hợp có nhà ở, công viên cây xanh công cộng.
Phát triển 4 trung tâm dịch vụ logistics quy mô khoảng 400-500 ha tại khu công nghệ cao TP HCM; khu hỗn hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đào tạo, đô thị Linh Trung; trung tâm logistics Long Bình; trung tâm logistics Cát Lái.
Về giao thông công cộng, phát triển mạng lưới giao thông công cộng khối lượng lớn, trục chính, tích hợp xe buýt, buýt sông, xe đạp công cộng… đáp ứng 50-60% nhu cầu cầu đi lại năm 2040. Bổ sung các tuyến đường sắt đô thị để nâng cao khả năng tiếp cận cho hành lang khu vực phía Đông.
Với thoát nước mưa, khu vực chia làm 10 lưu vực thoát nước chính, phù hợp với 10 khu vực địa hình tự nhiên và không gian xây dựng, thuận lợi thoát nước ra các rạch, hồ điều tiết và sau đó thoát ra các sông chính.
TP Thủ Đức tập trung phát triển 11 khu vực trọng điểm nhằm kích thích kinh tế, sáng tạo, đổi mới. Cụ thể:
- Khu trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm;
- Khu vực Cát Lái – Trương Văn Bang;
- Khu đô thị thể dục thể thao Rạch Chiếc;
- Khu vực đô thị thương mại, văn hóa, sáng tạo, tương tác cao Trường Thọ;
- Khu đô thị, công viên Tam Phú;
- Khu hỗn hợp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đào tạo, đô thị Linh Trung;
- Khu công nghệ cao TP HCM;
- Khu công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc, công viên chuyên đề, du lịch sinh thái, tôn giáo;
- Khu công viên khoa học công nghệ cao TP HCM;
- Khu đô thị tri thức và công nghệ cao, công nghệ tiên tiến ở khu vực Long Phước – Tam Đa;
- Khu đại học quốc gia TP HCM- trung tâm công nghệ giáo dục và khu tái định cư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét