Tp Hồ Chí Minh: Sẽ có hướng dẫn cho đất dân cư xây dựng mới
Hiện trạng đất dân cư xây dựng mới cũng là vấn đề mà Tp. Hồ Chí Minh cần phải giải quyết cho người dân trong quá trình quy hoạch và đô thị hóa…
Trong việc lập các đồ án quy hoạch, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đều phải có định hướng những khu dành cho công trình xây dựng mới, đó là “khu dân cư quy hoạch mới”.
Khu đô thị mới Đông Tăng Long, Tp Thủ Đức ( ảnh minh hoạ)
12.200 HA ĐẤT DÂN CƯ XÂY DỰNG MỚI
Thông tin về “khu dân cư quy hoạch mới”, ông Huỳnh Trịnh Phong, Trưởng phòng Quản lý thực hiện quy hoạch và pháp chế, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, cho rằng “khu dân cư quy hoạch mới” là một dạng đất ở. Và khi muốn chuyển đổi mục đích thì phải đạt các điều kiện, tiêu chí theo Luật đất đai thì sẽ có khả năng chuyển đổi thành đất ở.
Tại quận Bình Tân, TP.HCM, theo thống kê từ các đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 trên địa bàn quận có tổng cộng 155 khu đất đang được quy hoạch với hai chức năng là đất dân cư xây dựng mới và đất hỗn hợp, với quy mô hơn 341 ha.
Theo thống kê của UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM, hiện trên địa bàn có gần 15.000 ha đất được quy hoạch với chức năng là đất dân cư xây dựng mới, với gần 13.500 hộ dân bị ảnh hưởng.
Mới đây, trong chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời do HĐND TP.HCM tổ chức ngày 18/8/2024 với chủ đề "Luật Đất đai 2024 - Quyền lợi, nghĩa vụ người dân - Trách nhiệm chính quyền", bà Thu Trà, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình, đặt câu hỏi tại thành phố có các khu vực đất dân cư xây dựng mới thể hiện trong các đồ án quy hoạch phân khu, người dân có nhu cầu xây dựng nhà ở riêng lẻ có được không?
Trả lời về vấn đề này, ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, cho biết sở đã cùng các sở ngành, địa phương tham mưu cho UBND TP.HCM về việc được phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất dân cư xây dựng mới. Tuy nhiên, việc này phải có điều kiện, phải đảm bảo tiếp cận về giao thông, có đường giao thông hiện hữu và đảm bảo diện tích chuyển theo quy định.
Hiện nay, TP.HCM có hơn 600 đồ án quy hoạch phân khu với gần 12.200 ha đất dân cư xây dựng mới. Và được phê duyệt vào các thời điểm khác nhau trước và sau quy hoạch đô thị.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu cho UBND TP.HCM văn bản quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất của các loại đất khác sang đất ở. UBND thành phố sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất.
HỒ SƠ ĐẤT ĐAI BỊ “TREO”
Tại chương trình, nhiều cử tri cũng phản ánh thực trạng nhiều hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nộp sau ngày 01/8/2024 khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực đang bị "treo".
Đối với Bảng giá đất điều chỉnh dự kiến sẽ ban hành được người dân rất quan tâm. Ông Đỗ Văn Ban, cử tri phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức (TP.HCM), cho biết liệu chính quyền thành phố đã nghiên cứu sát với giá thị trường hay chưa và có tác động tiêu cực đến thị trường và quyền, lợi ích của người dân không?
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, khi biết thông tin TP.HCM sắp ban hành bảng giá đất mới, nhiều người dân đã đi làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng những hồ sơ nộp từ ngày 01/8/2024 đang bị “treo”. Các cơ quan thuế cấp quận, huyện và TP. Thủ Đức vẫn tiếp nhận hồ sơ nhưng chưa thể tính tiền sử dụng đất phải nộp.
Cử tri chất vấn khi nào TP.HCM giải quyết các hồ sơ này, tiền sử dụng đất được tính theo bảng giá nào, và việc chậm trễ này có vi phạm pháp luật hay không.
Trả lời cử tri, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết theo Luật Đất đai 2024, nếu UBND cấp tỉnh có điều chỉnh bảng giá đất từ 01/8/2024 thì phải tính nghĩa vụ tài chính theo bảng giá mới. Tuy nhiên, TP.HCM chưa ban hành bảng giá đất điều chỉnh nên đang chờ hướng dẫn từ các cấp trung ương. Nhưng việc này không làm ách tắc hồ sơ, các cơ quan đang thụ lý giải quyết hồ sơ thì phải giải quyết hồ sơ.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, không chỉ TP.HCM mà các địa phương khác đều đang gặp vướng mắc ở khâu xác định nghĩa vụ tài chính khi xử lý các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, bởi chưa biết tính theo bảng giá nào. Do đó, TP.HCM đã chuẩn bị văn bản và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Ông Cường cũng nhấn mạnh UBND TP.HCM sẽ kịp thời ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền trong tháng 8/2024 và tháng 9/2024 để đảm bảo bao phủ tất cả nội dung khi thực thi Luật Đất đai 2024 và các luật mới. Và phù hợp các quy định của luật và tình hình thực tiễn tại địa phương.
Đặc biệt là đối với các trường hợp đang được người dân quan tâm như tách thửa, hợp thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động đất đai đối với tài sản có tranh chấp.
Đối với bảng giá đất lần đầu áp dụng từ năm 2026, lãnh đạo thành phố khẳng định sẽ chuẩn bị rất kỹ lưỡng và đúng trình tự.
Giới thiệu Khu đô thị Đông Tăng Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét