Tiến độ thi công đường Vành đai 3 TP.HCM tháng 09 năm 2024
Tiến độ thi công Vành đai 3 TP.HCM tính đến tháng 09/2024, đoạn qua TP.HCM, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt khi tiến độ thi công có sự chênh lệch giữa các gói thầu. Hiện tại, gói thầu xây lắp cao nhất đã đạt 32%, trong khi gói thầu thấp nhất chỉ đạt 5%.
Tiến độ các gói thầu xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM tháng 09/2024
Theo báo cáo từ Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM, đoạn Vành đai 3 đi qua địa bàn TP.HCM có tổng chiều dài 47 km, được chia thành 14 gói thầu. Trong đó, 10 gói thầu tập trung vào xây lắp chính, còn 4 gói thầu khác phục vụ vận hành và khai thác dự án.
Đến nay, tiến độ tổng thể của 10 gói thầu xây lắp chính đạt 16% giá trị hợp đồng. Gói thầu có tiến độ tốt nhất là XL 3 với 32%, trong khi gói XL 10 đạt mức thấp nhất với chỉ 5%.
Vành Đai 3 đoạn qua thành phố Thủ Đức từ Vinhomes Grand Park đến KĐT Đông Tăng Long
Những khó khăn trong quá trình thi công Vành đai 3 Tp. HCM
Hiện nay, các nhà thầu đang tăng tốc thực hiện các hạng mục cầu, hầm và nền đường. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề thiếu hụt cát để đắp nền đường. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo và nhận được sự hỗ trợ từ các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre về cấp phép khai thác mỏ cát, tiến độ cung cấp cát vẫn chưa đáp ứng yêu cầu dự án.
Ngoài ra, khối lượng cát cam kết cung cấp trong năm 2024 cũng chưa đạt yêu cầu theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Để khắc phục, chủ đầu tư đang chỉ đạo các nhà thầu tìm kiếm nguồn cát thương mại trong nước, thậm chí nhập khẩu cát từ Campuchia để tiếp tục xử lý nền đất yếu.
Giải pháp và kiến nghị để đảm bảo tiến độ thi công Vành Đai 3
Để đảm bảo tiến độ, Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác và cung cấp cát như kế hoạch. Đồng thời, tỉnh Bình Dương cũng cần nhanh chóng mở rộng đoạn Mỹ Phước – Tân Vạn dài 15,3 km để đồng bộ với dự án khi đưa vào khai thác.
Tầm quan trọng của Dự án tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM
Dự án đường Vành đai 3 vùng TP.HCM có tổng chiều dài 76 km, đi qua 4 địa phương gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, với tổng mức đầu tư lên tới 75.300 tỷ đồng. Dự án khởi công vào giữa năm 2023 và dự kiến hoàn thành phần đường chính vào năm 2025.
Khi hoàn thành, Vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo kết nối giao thông liên vùng, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế khu vực phía Nam.
Đây là dự án có vai trò quan trọng, không chỉ với TP.HCM, các tỉnh thành có đường đi qua mà còn cho toàn vùng, cụ thể:
– Giúp giảm áp lực về giao thông cho các tuyến đường nội đô của thành phố vốn đang thường xuyên gặp phải tình trạng ùn ứ, kẹt xe.
– Thúc đẩy sự hình thành của các khu đô thị mới, thành phố vệ tinh, hoàn thiện kết cấu hạ tầng cũng như thúc đẩy các công trình phục vụ đời sống. Từ đó, kéo dân cư từ đô thị trung tâm TP.HCM ra bên ngoài, góp phần giãn dân ở nội đô. Đồng thời tạo sự kết nối với những đô thị vệ tinh đang phát triển như: Bến Lức, Đức Hòa, Nhơn Trạch,…
– Hình thành mạng lưới giao thông huyết mạch tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây sẽ là điều kiện quan trọng đối với giao thương, liên kết vùng, thu hút các nhà đầu tư, từ đó tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng, phát triển kinh tế toàn diện.
– Thời gian đi lại giữa TP.HCM với các địa phương như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương được ngắn lại đáng kể. Giao thương từ vùng Tây Nam Bộ ra các tỉnh phía Bắc cũng thuận lợi, nhanh chóng hơn. Thời gian đi Vũng Tàu, Mộc Bài (Tây Ninh), Bình Phước về Đồng bằng Sông Cửu Long cũng rút ngắn.
– Các vùng, khu công nghiệp trọng điểm phía Nam được kết nối, mở ra các cơ hội phát triển mới cũng như khả năng hợp tác trong đầu tư. Đồng thời, hệ thống công nghiệp trong vùng theo đó cũng được điều chỉnh, sắp xếp lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét