Ga Thủ Thiêm của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có vị trí ở đâu?

Theo quy hoạch, ga Thủ Thiêm có diện tích khoảng 17ha, tọa lạc ở giữa hai trục đường lớn gồm đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của (phường An Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM). Đây là ga cuối cùng của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Khu vực quy hoạch nhà ga Thủ Thiêm ngay cạnh nút giao An Phú

Ga Thủ Thiêm được quy hoạch sẽ phục vụ ba tuyến đường sắt lớn gồm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến metro số 2 giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm). Đây cũng sẽ là nhà ga cuối của tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Theo ghi nhận, ở thời điểm hiện tại, phần diện tích dành cho ga Thủ Thiêm đã được quây tôn, rào chắn kỹ lưỡng. Mặt bằng sạch, chủ yếu là đất trống và đầm lầy, sẵn sàng khi dự án được triển khai.

Có thể thấy, vị trí đặt ga Thủ Thiêm rất đắc địa. Khu vực ga này không chỉ thuận tiện về giao thông mà còn gần Khu đô thị mới Thủ Thiêm, một trong những khu đô thị hiện đại và tiềm năng nhất của TP.HCM.

Xung quanh ga Thủ Thiêm, nhiều dự án quy mô lớn như chung cư cao tầng, khu đô thị phức hợp đang được phát triển, góp phần tạo nên diện mạo đô thị toàn diện cho khu vực.

Theo kế hoạch, Bộ GTVT sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc quy hoạch chi tiết và điều hành triển khai các dự án liên quan tại đây, nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của dự án.

Ga Thủ Thiêm nằm gần nút giao An Phú, đây là nút giao ba tầng đang được hoàn thiện

Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam qua TP.HCM sẽ chạy song song với tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, qua nút giao thông An Phú trước khi vào ga Thủ Thiêm.

Sở GTVT TP.HCM đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu kỹ các phương án thiết kế nhằm tối ưu hóa kết nối giao thông tại những điểm giao thông quan trọng này.

Đồng thời, Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất Bộ GTVT tập trung quy hoạch ga Thủ Thiêm trở thành ga trung tâm cho cả đường sắt cao tốc Bắc - Nam và tuyến Thủ Thiêm - Long Thành, đảm bảo đồng bộ với tuyến metro số 2 giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm).

Riêng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đang được Bộ GTVT đang nghiên cứu, tiếp xúc nhà đầu tư, khả năng thực hiện theo hướng dự án PPP hoặc ODA.

Dự kiến trong năm 2024, dự án sẽ được thông qua chủ trương đầu tư với chiều dài khoảng 36km và mức đầu tư khoảng 3,4 tỷ USD. Thời gian hoàn thành toàn tuyến dự kiến trước năm 2030.

Theo kế hoạch, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có điểm đầu là ga Thủ Thiêm (phường An Phú) Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối là sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai).

Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đang nghiên cứu với 20 ga, bao gồm ga trong sân bay Long Thành. Depot bố trí phía đông sân bay Long Thành, tại xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai).

 

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, với điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM).

Theo đề xuất của Bộ GTVT, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có năng lực đáp ứng khoảng 133,5 triệu lượt hành khách/năm (đối với tàu suốt Bắc - Nam).

Mỗi năm, tuyến đường sắt cao tốc này sẽ phục vụ khoảng 106,8 triệu lượt hành khách (đối với tàu khách khu đoạn); Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vận chuyển hàng hóa đáp ứng khoảng 21,5 triệu tấn hàng hóa/năm (chưa bao gồm năng lực 18,5 triệu tấn/năm của tuyến đường sắt hiện hữu).

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét